Tận dụng lợi thế về du lịch, năng lượng và kinh tế biển, Bình Thuận đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư công và tư nhân với hàng loạt “siêu dự án”.

Ráo riết xây dựng “đại dự án” bất động sản nghỉ dưỡng

Ngày 24/8/2020, Mũi Né được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch đến năm 2030, đây sẽ là một trong những điểm đến hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, các sản phẩm du lịch chủ đạo được tập trung phát triển là nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và thể thao biển.

Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đổ về Bình Thuận xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dưới hấp lực từ sự tăng trưởng của ngành du lịch và các dự án hạ tầng trọng điểm. Đến nay, toàn tỉnh có 387 dự án du lịch đang hoạt động với tổng diện tích 6.249 ha đất và 69.845 tỷ đồng vốn đầu tư.

Nổi bật là Tập đoàn Novaland với 2 công trình đang xây dựng. Quần thể nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiết trải dài dọc 7 km đường biển với diện tích khoảng 1.000 ha. Tổng mức đầu tư lên đến gần 5 tỷ USD.

Khởi công từ tháng 5/2019, đến nay, dự án đã dần thành hình, với các hạng mục công viên bãi biển và sân golf hướng biển dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12. Riêng sân golf hướng vườn, khách sạn và biệt thự sẽ hoàn thiện trong năm 2021.

Đại công trường Bình Thuận với loạt dự án nghìn tỷ

Dự án còn lại là NovaHills Mũi Né Resort & Villas rộng gần 40 ha, được thi công trước đó nửa năm đã cơ bản hoàn thiện phần thô của hơn 600 căn biệt thự đơn lập. Dự án được đầu tư 97 triệu USD (2.248 tỷ đồng).

Đại công trường Bình Thuận với loạt dự án nghìn tỷ đồng

Trong khi đó, Hưng Lộc Phát đầu tư hơn 2.560 tỷ đồng để xây dựng “không gian tiệc tùng lớn nhất Phan Thiết”.

Nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối sân bay Phan Thiết trong tương lai, tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng SummerLand được thiết kế theo mô hình Las Vegas, Macau với hơn 2.000 phòng khách sạn 5 sao, 100 nhà hàng, 200 cửa hàng mua sắm và hơn 40 quán bar, club.

Hình ảnh dự án Mũi Né Summerland Hưng Lộc Phát
Mũi Né Summerland Hưng Lộc Phát 1
Mũi Né Summerland Hưng Lộc Phát 2
Mũi Né Summerland Hưng Lộc Phát 3
Mũi Né Summerland Hưng Lộc Phát 4

Thống kê đến cuối tháng 7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 577 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 16.106 phòng, đã xếp hạng 1-5 sao cho 79 cơ sở lưu trú với 5.754 phòng, ngoài ra còn có 557 căn hộ và 315 biệt thự.

Khởi động các công trình giao thông trọng điểm

Song song với sức nóng của bất động sản nghỉ dưỡng là những công trình giao thông trọng điểm quốc gia tại Bình Thuận. Sáng 30/9, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi công các dự án thành phần Dầu Giây – Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc cao tốc Bắc – Nam.

Trong đó, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, với điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (Bình Thuận), điểm cuối kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Ở giai đoạn I, cao tốc được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 7.200 tỷ.

Điểm đầu dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết kết nối với điểm cuối cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Dự án có chiều dài 100,8 km, đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc khởi công đồng thời và sớm đưa vào sử dụng hai đoạn cao tốc này sẽ là động lực mới để địa phương thu hút đầu tư, khai thác hết tiềm năng và thế mạnh nhằm phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, dự án Cảng hàng không Phan Thiết cũng đang được tái khởi động sau 5 năm nằm im. Mới đây, đoạn đường dài khoảng 1 km từ trung tâm sân bay Phan Thiết dự kiến kết nối với trục đường chính Võ Nguyên Giáp đã hoàn thiện thi công giai đoạn một.

Trước đó, năm 2018, đoạn đường khoảng 700 m nối từ đường Võ Nguyên Giáp cũng được khởi công.

Tuy nhiên, đến nay, hai đoạn đường này vẫn chưa được kết nối do vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các hợp phần khu bay và khu nhà ga bên trong sân bay chưa có dấu hiệu thi công.

Sân bay Phan Thiết là cảng hàng không quốc nội cấp 4E, kết hợp giữa quân sự và dân dụng, với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Liên tục trong năm 2020, Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết.

Phát triển “thủ phủ” năng lượng tái tạo

Có công suất 3.400 MW cùng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD, Thăng Long Wind (ngoài khơi Mũi Kê Gà, Bình Thuận) là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay được đề xuất. Chủ đầu tư dự án, tập đoàn Enterprize Energy, khẳng định thêm, các nhà sản xuất turbine điện gió của tập đoàn sẽ đến Việt Nam đầu tư sản xuất thiết bị nếu dự án được đưa vào thực thi.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. Dự án có công suất tiềm năng lên đến 3.500 MW, với chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỷ USD.

Đây chỉ là hai trong nhiều dự án năng lượng tái tạo đang được xin cấp phép triển khai tại Bình Thuận. Không chỉ có lợi thế về du lịch, địa phương này còn được biết đến là “thủ phủ” năng lượng tái tạo của Việt Nam. Số giờ gió, giờ nắng tại đây cao hơn mức trung bình khu vực miền Nam, đồng thời tốc độ gió và bức xạ nhiệt cũng ở mức cao ổn định.

Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh, đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW với sản lượng tương ứng là 5.475 MW.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất hơn 6.000 MW, sản lượng khoảng 30,6 tỷ kWh/năm. Trong đó có 4 nhà máy nhiệt điện, 6 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy điện diesel, 3 nhà máy điện gió và 21 nhà máy điện mặt trời.

Tuy nhiên, việc các nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn và tập trung mật độ lớn đã gây ra tình trạng quá tải lưới điện. Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với UBND tỉnh để tập trung giải tỏa công suất cho các dự án này.

Bình Thuận trong 5 năm tới

Nhìn lại 5 năm qua, Bình Thuận ghi nhận tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) từ mức 47.100 tỷ đồng năm 2015 lên 81.800 tỷ đồng năm 2020. Tăng trưởng công nghiệp đạt tốc độ bình quân 18,33%/năm, trong khi tiềm năng về năng lượng được phát huy hiệu quả.

Ở mảng du lịch, trong giai đoạn 2016-2020, Bình Thuận đón hơn 27 triệu lượt du khách, tăng bình quân 5,64%/năm, trong đó có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt hơn 61.000 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 12,5%/năm.

Với những dự án lớn đang được triển khai, Bình Thuận kỳ vọng có thể tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong 5 năm tới, với 3 trụ cột chính là du lịch, năng lượng và kinh tế biển.

Zing.vn